Tin tức

Khoa Cơ điện – Điện tử, thắng lớn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

     Chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập hàng năm của tỉnh là một trong những hoạt động tiêu biểu tỉnh Đồng Nai do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Mục đích của hoạt động này là để phát huy và khuyến khích tinh thần sáng tạo của mọi tổ chức, mọi tập thể, mọi cá nhân và đông đảo quần chúng trong quá trình nghiên cứu, lao động sản xuất và học tập, nhằm tạo ra các giải pháp mới có thể giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, để từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển, hỗ trợ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

     Chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập là một trong 13 chương trình của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Đồng Nai. Ban chủ nhiệm Chương trình gồm các cơ quan thành viên là các Sở, Ban ngành của tỉnh. Chủ nhiệm Chương trình đồng thời là cơ quan thường trực Ban chủ nhiệm là Sở Khoa học và Công nghệ.

     Năm nay, có 68 giải pháp được đạt giải. Trong đó, Khoa Cơ điện – Điện tử, Đại học Lạc Hồng đã “xé rào” đoạt chức quán quân với đề tài: Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy sắp xếp và nhỏ keo tự động, dưới sự chủ trì của TS. Phạm Văn Toản và các cộng sự (TS. Nguyễn Vũ Quỳnh, ThS. Ngô Thanh Bình, Trần Thanh Vang, Lê Hoàng Thành, Gia Hữu Vũ, Lê Ngọc Thiện, Nguyễn Trung Đức).

     Giải pháp này đã được chuyển giao công nghệ cho Công ty Hualon Việt Nam, tính mới của sản phẩm này là: Lượng keo nhỏ vào mỗi sản phẩm bằng nhau; keo nhỏ chính xác không bị nhỏ ra ngoài dẫn như phương pháp truyền thống; cải thiện điều kiện làm việc; hiệu quả kinh tế là giảm số công nhân làm việc từ 2 người còn 1 người; giảm gấp đôi thời gian tạo ra sản phẩm trung bình từ 2,8s/sp còn 1,2s/sp.

Hình 1: Hình ảnh máy nhỏ keo tự động được áp dụng tại công ty.     

     TS. Phạm Văn Toản cho biết: “Trong dây chuyền sản xuất sản phẩm dây giày có công đoạn sắp xếp và nhỏ keo vào các đầu mút trước khi hoàn thành sản phẩm, đây là công đoạn quan trọng, tuy nhiên công đoạn này đang được thực hiện thủ công. Điều này còn tồn tại những hạn chế như: năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều, mất nhiều công nhân. Qua quá trình quan sát, tìm hiểu thao tác làm việc của người công nhân, nhóm nghiên cứu đã thiết kế máy trên phần mềm Solid Work và chế tạo máy. Sau một tháng triển khai thiết kế và thi công máy đã được bàn giao cho phía công ty kiểm tra và đánh giá. Sau giai đoạn thử nghiệm vận hành thực tế theo các điều kiện tại công ty, bước đầu đã được công ty đánh giá cao về hiệu quả công việc, góp phần tích cực và quá trình tạo ra sản phẩm mới cho công ty.”

     Bên cạnh đó, TS. Phạm Văn Toản còn thắng lớn với giải Nhì:  Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy dán băng keo bảo vệ bề mặt nhôm, cùng với các cộng sự (KS. Trần Thanh Vang, KS. Đinh Vũ Đại Phong, KS. Nguyễn Quang Thái, KS. Gia Hữ Vũ, KS. Bùi Hào Quang, KS. Lê Hoàng Thành, KS. Nguyễn Cường Phi, KS. Hoàng Đức Nguyên, KS. Trần Văn Hoan). Giải pháp này đã được áp dụng tại Công ty TNHH sản xuất toàn cầu LIXIL Việt Nam.

Hình 2:  Tổng thể thiết kế của 3 máy tiêu biểu.     

     Trong quy trình dán keo bảo vệ bề mặt nhôm tại công ty Lixil, cụ thể là công đoạn phủ lớp băng keo lên bề mặt của cây nhôm nhằm bảo vệ bề mặt cây nhôm tránh trầy xước. Đây là một công đoạn tưởng chừng đơn giản nhưng lại khá phức tạp. Nếu cách làm thủ công thì có nhiều nhược điểm: Việc dán băng keo bằng tay sẽ không đều và mịn; công nhân tại một thời điểm chỉ có thể dán được một mặt của thanh nhôm; công đoạn cắt băng keo thủ công sẽ khó đạt được góc chuẩn 90 độ; có rất nhiều thanh nhôm có kích thước và biên dạng khác nhau đòi hỏi số lượng lớn công nhân làm việc gây tốn kinh phí cho công ty,...

Xuất phát từ những nhược điểm trên, công ty liên hệ với TS. Phạm Văn Toản để bàn bạc, tìm giải pháp tốt nhất. Là một chuyên gia, thường xuyên chuyển giao các thiết bị, máy móc tự động trong sản xuất tại các công ty. Sau đợt khảo sát thực tế tại công ty, trong vòng 7 tháng, nhóm đã thiết kế, chế tạo và thử nghiệm máy đã được chuyển giao cho công ty LIXIL tất cả là 5 máy với trị giá hợp đồng hơn 700 triệu đồng Việt Nam.

     TS. Phạm Văn Toản chia sẻ: Năng suất dán băng keo khi thao tác thủ công trung bình từ 25 – 60s cho một sản phẩm (dao động theo độ dài của thanh nhôm), trong khi dán băng keo tự động có thể dán từ 15 – 18s cho một sản phẩm; tiết kiệm từ 8 công nhân xuống còn 4 công nhân đứng điều khiển máy và đặc biệt hơn nữa là tiết kiệm không gian nhà xưởng; hàng năm máy tiết kiệm cho công ty hơn 1 tỷ đồng.

     Song song với đó, các giải pháp của trường Đại học Lạc Hồng được đánh giá cao tại chương trình này: SmartReg – Trạm nhiệt kế thông minh, tích hợp rửa khử khuẩn, nhận diện khẩu trang, phòng chống Covid; Trải nghiệm khoa học công nghệ và định hướng nghề nghiệp dành cho học sinh phổ thông qua các cuộc thi sáng tạo robot mini; Tích hợp phương pháp sư phạm số trong hoạt động dạy và học; Cải tiến phương pháp dạy lập trình các thiết bị tự động; Thiết kế các mô hình hệ thống điện Ô tô dùng cho giảng dạy; Nghiên cứu và thiết kế hệ thống bãi giữ xe tự động,...

Hình 3: Giảng viên, sinh viên tham gia tại lễ vinh danh ngày hội Khoa học Công nghệ. 

     Đa số trong các đề tài này có sự tham gia của sinh viên đang theo học tại trường, thông qua hoạt động này giúp cho sinh viên thỏa sức sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học, từ đó giúp các em biết vận dụng kiến thức đã học vào trong thực tiễn. 

Đỗ Tấn Thích - Phạm Văn Toản

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        9,692,134       34/1,325