Tin tức

Sinh viên Đại học Lạc Hồng đạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai

Sinh viên Hồ Tạ Quyền, một trong hai thành viên của nhóm thực hiện đề tài trên cho biết, sau khi sáng chế thành công, máy dập được chuyển giao cho công ty sử dụng, sau một thời gian đi vào sản xuất, máy hoạt động rất ổn định, năng suất lắp ráp đạt 900 sản phẩm/1giờ, năng suất này gấp 3 lần so với cách dập thủ công như trước của nhà máy. Theo thống kê sơ bộ của công ty cho thấy, mỗi năm máy có thể tiết kiệm được trên 70 triệu đồng cho công ty.

 Đề tài được nhóm sinh viên nghiên cứu trên cơ sở lý thuyết và các giai đoạn lắp ráp có liên quan của máy xuyên kim vào ống, nghiên cứu thiết kế và thi công máy lắp ráp bán tự động hai đầu của băng xoá. Trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết và nguyên lý hoạt động của các loại máy trên, nhóm sinh viên đã xây dựng phương án thiết kế mô hình phù hợp với thực tế. Nhóm cũng đã áp dụng phương pháp nghiên cứu và thiết kế mô hình, sau đó mô phỏng bằng phần mềm rồi chỉnh sửa lại mô hình cho thật hợp lý, tiếp đến nhóm sinh viên đã thực hiện gia công thiết bị sáng chế tại nhà máy, thực hiện các công đoạn khác như: lắp ráp cơ khí, chỉnh sửa mô hình và tạo ra thiét bị máy dập hoàn thiện. Để thực hiện thành công các công đoạn trên, nhóm sinh viên đã mất đến 6 tháng, vừa đủ với thời gian thực hiện một quá trình thực tập của một sinh viên. Nhóm thực hiện đề tài máy dập đang thảo luận

 Đề tài cũng là báo cáo thực tập của nhóm sinh viên khoa Cơ điện. Sau khi máy dập được hoàn thành đưa vào sử dụng, đề tài được hội đồng giám khảo đánh giá rất cao, vừa có tính kinh tế cao trong ứng dụng thực tiễn, đồng thời cũng khắc phục được các hiện tượng lỗi và hướng tới phát triển thành mô hình tự động hoá hoàn toàn.

Sinh viên Hồ Tạ Quyền cho biết thêm, mục đích chính của đề tài mà chúng em nghiên cứu là nhằm nâng cao tính tự động hoá, hạn chế công nhân và chi phí đồng thời nâng cao chỉ tiêu đồng bộ và tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Ngoài ra, giải pháp được sáng tạo cũng nhằm xử lý các hàng tồn đọng và hạn chế các sản phẩm lỗi để hướng tới mục đích cuối cùng là nâng cao tính kinh tế trong sản xuất sản phẩm bút xoá vĩnh viễn tại Công ty Plus.

Nói về hiệu quả của máy khi đưa vào sử dụng trong sản xuất tại Công ty Plus, nhóm sinh viên cũng khẳng định rằng, ngoài việc tăng năng suất trong việc sản xuất bút xoá vĩnh viễn lên gấp 3 lần so với một công nhân làm việc bình thường tại nhà máy như trước đây, thì máy dập Roller Cap do nhóm chế tạo ra cũng đã khắc phục một số khuyết điểm trên sản phẩm, các chi tiết của sản phẩm trở nên chính xác hơn. Do máy quá trình tự động hoá nên trong quá trình sản xuất ít xẩy ra các sai sót, sản phẩm không bị lem mực như khi gia công bằng tay, tiết kiệm thời gian. Cũng chính vì đáp ứng được thời gian và độ chính xác của sản phẩm nên uy tín của công ty được nâng lên thêm nữa. Nhóm thực hiện đề tài thực tập tại phòng máy Khoa Cơ điện

“Việc nghiên cứu thành công đề tài về sáng chế máy dập Roller Cap trong sản xuất bút xoá vĩnh viễn tại công ty Plus không chỉ mang lại hiệu quả cho công việc mà đó cũng là thời gian để chúng em đựơc trải nghiệm thực tế, vận dụng các lý thuyết được học trên giảng đường vào công việc, tạo bước đệm quan trọng cho quá trình tìm việc sau khi ra trường” - Sinh viên, Mai Văn Hùng – tác giả đồng thực hiện đề tài khẳng định.

Việc hoàn thành tốt quá trình nghiên cứu, sáng chế thành công máy dập Roller Cap thay thế quá trình sản xuất thủ công bút xoá vĩnh viễn tại Công ty Plus cũng đã đưa nhóm sinh viên đến với giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai lần thứ XV năm 2010. Nói về giải thưởng đạt được, sinh viên Hồ Tạ Quyền vui mừng nói: “Giải thưởng hội thi sẽ là động lực để chúng em tiếp tục cố gắng học tốt, hoàn thành tốt chương trình học và cố gắng tìm tòi sáng tạo nhiều hơn nữa”.

 

Cổng thông tin điện tử khoa học công nghệ Đồng Nai

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        8,300,357       2/460