Tiêu điểm

Giảng viên IT sử dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản

Với phần thể hiện xuất sắc tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2019, dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain của nhóm giảng viên Trường đại học Lạc Hồng đã đoạt giải nhất.

Nhóm tác giả bàn luận về các nội dung của ứng dụng Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain. Ảnh: H.Yến

Nhóm tác giả bàn luận về các nội dung của ứng dụng

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain

Dự án này được đánh giá cao ở các tiêu chí: tính mới, tính sáng tạo; khả năng thương mại hóa; nhận dạng thị trường; mức độ hoàn thiện mô hình và nguồn lực thực hiện ý tưởng.

* Minh bạch hóa thông tin

Tại một hợp tác xã trồng rau, toàn bộ quá trình trồng và chăm sóc rau đều được thu thập dữ liệu thông qua ứng dụng hệ thống IoT (internet kết nối vạn vật). Trước khi bán ra thị trường, lứa rau này phải qua khâu kiểm tra xem có đạt chất lượng hay không. Nếu đảm bảo chất lượng, sản phẩm sẽ được các nhà phân phối đưa đến điểm bán (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) để cung cấp cho người tiêu dùng.

Blockchain (chuỗi khối) là cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Các khối thông tin này hoạt động độc lập. Ưu điểm của Blockchain là đảm bảo tính bảo mật cao, loại bỏ tình trạng đánh cắp hoặc sửa đổi thông tin.

Blockchain đầu tiên được ứng dụng vào tiền ảo. Sau này đã ứng dụng vào các lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, thành phố thông minh, chăm sóc sức khỏe, chuỗi cung ứng…

Thông tin ở các khâu, từ trồng trọt, chăm bón đến thu hoạch, kiểm tra chất lượng, vận chuyển, phân phối sản phẩm đều được cập nhật lên một hệ thống sử dụng nền tảng Blockchain (chuỗi khối). Các thông tin này được tích hợp trong một mã QR in trên con tem của sản phẩm. Vì vậy, khách hàng khi quét mã QR của sản phẩm có thể biết được toàn bộ thông tin về “hành trình” của sản phẩm. Thậm chí, sau khi khách hàng mua sản phẩm, hệ thống sẽ cập nhật trạng thái “đã bán”. Như vậy, với cùng một con tem sẽ không có sản phẩm thứ 2, đồng thời nếu sản phẩm hàng hóa bị lỗi thì đơn vị cung cấp hàng hóa có thể dễ dàng tìm xem lỗi này ở khâu nào để có hướng xử lý phù hợp.

Đó là những lợi ích dễ nhìn thấy của việc ứng dụng công nghệ Blockchain mà nhóm giảng viên Trường đại học Lạc Hồng đã thực hiện trong dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain. Trong dự án này, nhóm hỗ trợ hệ thống phần mềm quản lý và vấn đề kỹ thuật cho doanh nghiệp đối tác. Các đối tác chỉ chi tiền để mua con tem dán lên sản phẩm.

Dự án bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2018. Đến nay, nhóm đã hoàn thiện việc xây dựng hệ thống và bước đầu có khách hàng. Trong đó, Công ty TNHH Trường Toàn, một nhà cung ứng cá tầm cho thị trường TP.Hồ Chí Minh đặt hàng 500 ngàn con tem cho đơn hàng đầu tiên.

Nói về ý tưởng ban đầu để thực hiện dự án này, anh Phan Thiện Phước, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Lạc Hồng phân tích, hiện nay các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên thị trường. Người tiêu dùng không biết được nơi nuôi trồng thực sự cũng như quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nông sản nên đành phải sử dụng thực phẩm trong tâm trạng lo lắng, sợ ăn phải hóa chất độc hại… Trong khi đó, người nông dân làm nông sản sạch lại phải phụ thuộc vào thương lái. Giá bán tại trang trại thấp nhưng đến tay người tiêu dùng lại cao… Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hầu như chưa có chuỗi liên kết chặt chẽ...

“Vì thế, nhóm mong muốn tạo ra được một ứng dụng giúp minh bạch hóa mọi thông tin trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp. Ở đó, nhà sản xuất, nhà phân phối, đơn vị vận chuyển và người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất các khâu của sản phẩm. Từ đó tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao giá trị nông sản, giúp cho người nông dân có thu nhập tốt hơn”- anh Phước nói.

* Những tính năng vượt trội khi sử dụng Blockchain

Có 4 tính năng vượt trội khi sử dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc được nhóm đưa ra gồm: tính bền vững, không thể làm giả; tính minh bạch - bất biến; tính bảo mật dữ liệu; hợp đồng thông minh.

Với những tính năng trên, cộng với nền tảng IOT, nhóm đã tạo nên một ứng dụng với các chức năng: truy xuất nguồn gốc, kết nối người dùng, kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ quản lý doanh nghiệp, quản lý sản xuất, tạo nên hệ sinh thái nông nghiệp sạch.

Theo đó, mặc dù thông tin trên Blockchain là không thể thay đổi và bảo mật tuyệt đối nhưng người sử dụng có thể xem và truy xuất mọi lúc, mọi nơi. Việc kết nối các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực sẽ tạo nên cộng đồng trao đổi thông tin buôn bán các mặt hàng nông nghiệp sạch, bài trừ những chủ thể gian lận. Có thể tạo được liên kết trực tiếp giữa người tiêu dùng và nông trại…

“Theo tôi được biết cả nước hiện đang có hơn 11 ngàn hợp tác xã nông nghiệp. Đây là một thị trường rất rộng lớn, trong đó Đồng Nai đang có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch. Vì vậy, sau cuộc thi, chúng tôi mong muốn Sở Khoa học - công nghệ và các sở, ngành liên quan tạo cầu nối để chúng tôi có cơ hội làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao” - anh Phan Kiên Cường, thành viên của dự án chia sẻ.

Việc hợp tác trong truy xuất nguồn gốc nông sản có thể góp phần nâng cao giá trị nông sản, giúp mặt hàng này ổn định hơn về mặt giá cả. Với việc minh bạch trong quản lý chuỗi, chúng ta sẽ thuận lợi hơn trong việc đưa nông sản Việt đến được những thị trường khó tính như: Liên minh châu âu, Nhật Bản…” - anh Phan Kiên Cường, thành viên của dự án chia sẻ.

Mong muốn được hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khoa học - công nghệ:

Trong số các thành viên nhóm thực hiện dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain, anh Phan Kiên Cường là người sáng lập Công ty TNHH giải pháp công nghệ ThoMi. Công ty hoạt động chủ yếu ở 2 lĩnh vực: smart home (ngôi nhà thông minh) và phần mềm quản lý cho doanh nghiệp (trong đó có mảng truy xuất nguồn gốc).

Sau thành công bước đầu tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, anh Cường mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía Sở Khoa học - công nghệ để thành lập doanh nghiệp khoa học - công nghệ nhằm phát triển mảng nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp sạch.

 

Hải Yến Báo Đồng Nai

Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2019


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        30,144,448       36/827