Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh-chân dung một con người

Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã sinh ra nhiều anh hùng giải phóng dân tộc, nhiều người được vinh danh...Người người nối tiếp nhau, viết lên trang sử vẻ vang cho dân tộc, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng vĩ đại nhất, trang sử Người để lại là trang sử vẻ vang nhất.

 

Sự nghiệp cách mạng của Đảng đã trải qua hơn 80 năm. 80 năm ấy, luôn gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Dân tộc ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch và chính Người đã làm rạng rỡ non sông, đất nước ta.

 

Hồ Chủ tịch sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một đất nước thuộc địa, có nhiều dân tộc, sớm hình thành quốc gia – dân tộc thống nhất. Trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, dân tộc ta đã hình thành và phát triển nền văn hóa dân tộc rực rỡ, mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, ý chí đấu tranh bất khuất, tinh thần nhân ái, khoan dung và ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc để làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội. Chính nền văn hóa ấy cùng những ảnh hưởng tích cực của văn hóa phương Đông đã hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và góp phần to lớn vào sự hình thành và phát triển tư tưởng của Người.

 

Chứng kiến thất bại, không có thành công của các vị yêu nước tiền bối và cảnh đời nô lệ của người dân mất nước, dưới ách thực dân Pháp tàn bạo, người thanh niên ưu tú của dân tộc Việt Nam - Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Tháng 6-1911, với hành trang ban đầu là lòng yêu nước nồng nàn tình thương yêu nhân dân sâu sắc, khát vọng độc lập, tự do, Người đã chọn con đường ra đi tìm đường cứu nước.

 

Vận mệnh của nước, của dân gắn bó mật thiết với một quyết định mà lịch sử đã chứng minh là sáng suốt phi thường. Trải qua gần 10 năm bôn ba nhiều châu lục, gắn bó với phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước và giải phóng dân tộc duy nhất đúng đắn. Từ đó, hoài bão mang lại độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào chi phối toàn bộ tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh.

 

Mùa xuân năm 1930, theo Chỉ thị của Quốc tế cộng sản, Người đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Đông Dương, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài Người về nước triệu tâp hội nghị lần thứ tám của Ban chấp hành Trung ương Đảng, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh).

 

Ngày 22/12/1944, Người chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay - một đội quân cách mạng "trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" và xây dựng căn cứ địa cách mạng.

 

Những nhân tố quyết định trên đảm bảo vững chắc cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Mở đầu là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ thế giới, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và tự do, sánh vai cùng các dân tộc đấu tranh không mệt mỏi cho một xã hội công bằng, tiến bộ, văn minh.

Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

 

Trong những ngày đầu cách mạng, nước ta có nhiều khó khăn chồng chất và bị bao vây bốn phía. Nạn đói do phát xít Nhật - Pháp gây ra đã giết hại hơn hai triệu người Việt Nam. Tháng 9/1945 câu kết với các đế quốc Mỹ, Anh và bọn phản động Quốc dân Đảng Trung Quốc, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, âm mưu xóa bỏ mọi thành quả của Cách mạng tháng Tám.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân ra vừa đánh trả bọn thực dân Pháp xâm lược ở miền Nam, vừa đối phó với bọn phản động Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc.

 

Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 được ký kết giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp. Quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi miền Bắc Việt Nam. Quân đội Pháp mở rộng đánh chiếm miền Nam, kéo ra miền Bắc và lấn dần từng bước ở miền Bắc, âm mưu tiến tới xóa bỏ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước tình hình ấy, tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến và cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài chống thực dân Pháp đến thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ (1954).

 

Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Miền Bắc Việt Nam được giải phóng. Nhưng một nửa nước ở miền Nam bị đế quốc Mỹ biến thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Người cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

 

Tháng 9/1960, đại hội lần thứ ba của Đảng đã họp, thông qua nghị quyết về hai nhiệm vụ chiến lược và bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Người và của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhân dân ta vừa đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiếng chống Mỹ, cứu nước để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

 

Ngày 2/9/1969, Người đã từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.

 

Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân Việt Nam bản Di chúc lịch sử. Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

 

Thực hiện Di chúc của Người, toàn dân Việt Nam đă đoàn kết một lòng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pari ngày 27 tháng 1 năm 1973, chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

 

Mùa xuân năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện được mong ước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại

 

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, hội nhập với thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,300,334       1/646