Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh "Kỳ 22 - Bác Hồ với biển đảo Việt Nam"

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến biển đảo. Người đã dành nhiều tình cảm cho nhân dân vùng biển đảo và lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ biển đảo của Tổ Quốc. 

Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, Người đã chọn phương tiện đường thủy. Đường biển là nhanh nhất và duy nhất lúc đó có thể giúp Người thực hiện ước mơ của mình. Người đã đi năm châu, bốn biển để tiếp thu văn minh thế giới mỗi khi tàu cập bến và đã tìm được con đường cứu nước cho dân tộc. Đến mỗi quốc gia, Người đều có cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên của biển rất khác nhau, nhưng lúc nào Người cũng tự hào về bờ biển Việt Nam - Tổ quốc thân yêu của mình.

Biển đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng và phát triển đất nước. Bởi vậy, hơn ai hết Hồ Chí Minh không những hiểu tầm quan trọng của biển đảo mà Người còn có tầm nhìn và tư duy chiến lược về vấn đề khẳng định chủ quyền, biển đảo Tổ quốc. 


Bác Hồ trong chuyến ra đảo Titop - một đảo nằm ở khu vực vịnh Hạ Long (Ảnh: Internet).

Ngày 10/4/1956, khi nói chuyện tai Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển. Vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ nấp ở miền biển. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.

Khi cùng bà Đặng Dĩnh Siêu, trưởng đoàn Phụ nữ Trung Quốc đi thăm Hải Phòng, Vịnh Hạ Long và thăm đơn vị Hải quân Việt Nam, Người đã căn dặn: “Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”.


Bác Hồ trong chuyến ra đảo Cô Tô (Ảnh: Internet).

Đảo Cô Tô được Người ghé thăm nhiều lần và là nơi đầu tiên, duy nhất, được Bác đồng ý cho phép dựng tượng đài của Người khi Người còn sống. Tượng đài Bác đứng uy nghiêm, lưng tựa vào núi, tay phải giơ cao vẫy chào, mắt nhìn ra biển Đông, đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta.


Đảo Cô Tô cũng là nơi duy nhất được phép xây dựng
tượng đài Bác Hồ khi Người còn sống (Ảnh: Internet)
.

Khi cùng các cán bộ, chiến sĩ quân chủng hải quân vào thăm Hang Đầu Gỗ, một “công binh xưởng” xưa kia quân của Trần Hưng Đạo làm cọc cắm trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên, Hồ Chí Minh xúc động nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Vì vậy, Người đặc biệt quan tâm và dành tình cảm đến lực lượng vũ trang bảo vệ chủ quyền biển đảo nhất là Hải quân. Người tâm sự: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước”.

Năm 1961, Bác nói: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”.


Bác Hồ thăm một đơn vị hải quân vào năm 1954 (Ảnh: Internet).

Là con dân nước Việt, mỗi người trong chúng ta cần thể hiện tình yêu biển đảo, quê hương bằng những hành động thiết thực: đoàn kết, thống nhất, tuyệt đối tin tưởng và chấp hành các chủ trương của Đảng, không để các phần tử xấu lôi kéo, kích động vào các hoạt động quá khích, gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội. Riêng đối với các bạn sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường, các bạn hãy thể hiện lòng yêu nước bằng việc học tập tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển./.

(Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,300,067       1/491