Operations

Sustainable Development  »  Operations


CONTENTS

    Hành trình khởi nghiệp của sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai: Chính sách và những câu chuyện

    Kỳ 1. Mạnh tay với chính sách khởi nghiệp: Đồng Nai đã hái được những quả ngọt đầu mùa

    Xuất phát từ quan điểm cho rằng, “đầu tư cho đổi mới sáng tạo là đầu tư cho đội ngũ trí thức nghiên cứu sáng tạo gắn kết nhà khoa học với doanh nghiệp. Nhà nước phải là bà đỡ cho các sáng tạo mang lại động lực nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm tốt hơn nữa” (*), những năm qua, chính quyền tỉnh Đồng Nai rất quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) và đạt được những kết quả tích cực, là một trong những tỉnh/thành phố tiêu biểu, đi đầu về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua (2013-2023), một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp như đánh giá của WIPO (**).

    Mở lối cho khởi nghiệp - Những quyết sách từ chính quyền địa phương

    Sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844), tỉnh Đồng Nai đã triển khai một số hoạt động nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, mở ra không gian phù hợp cho KNĐMST trên địa bàn tỉnh; Nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái KNĐMST; Tổ chức cuộc thi về KNĐMST; Tổ chức Ngày hội KNĐMST; Xây dựng Cổng thông tin KNĐMST; Truyền thông nâng cao nhận thức và thúc đẩy văn hóa KNĐMST trong nhân dân; Tiếp nhận và tư vấn cho hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến hoạt động KNĐMST,...

    Mở đường cho phong trào khởi nghiệp, tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chẳng hạn: Quyết định số 1523 ngày 7/5/2018 về việc phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2023, trong đó tập trung thực hiện 3 nội dung trọng tâm là hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ thúc đẩy thông tin tuyên truyền về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ; Quyết định số 2949/QĐ-UBND ngày 22/8/2018 về việc thành lập Hội đồng Tư vấn, điều phối mạng lưới KNĐMST trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018 - 2023 để thẩm định, tư vấn, xét chọn, điều phối, hỗ trợ tổ chức các chương trình, đề án, dự án về KNĐMST;… Đến nay, nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai và mang lại những hiệu quả tích cực.

    Đồng Nai không ngừng nỗ lực tạo dựng môi trường tốt nhất cho KNĐMST, là địa phương tiêu biểu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

    Là chuyên gia nhiều lần được mời chia sẻ kiến thức về khởi nghiệp cho nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Đồng Nai, Ông Lý Đình Quân, TGĐ Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, PCT Hội đồng cố vấn khởi nghiệp ĐMST quốc gia đánh giá: Đồng Nai đã có nhận thức sớm trong việc thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2018, địa phương này có nhiều hoạt động đào tạo, huấn luyện, tổ chức sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp để truyền cảm hứng đến các tầng lớp nhân dân. Có thể nói, Đồng Nai đã tạo được những dấu ấn mạnh mẽ trên bức tranh khởi nghiệp quốc gia.

    Nói về vai trò của thể chế, PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng ví von: Nếu coi các ý tưởng khởi nghiệp/doanh nghiệp trẻ là một mầm cây, thì yếu tố quan trọng nhất để mầm cây ấy tồn tại là ánh nắng. Với môi trường khởi nghiệp, để khởi nghiệp thành công, các doanh nghiệp trẻ rất cần sự trợ giúp của chính quyền thông qua các chương trình, chính sách thúc đẩy. Ở Đồng Nai, yếu tố “ánh sáng” đã có, và thực tế đang là môi trường rất thuận lợi để các ý định khởi nghiệp trở thành hiện thực”.

    Thầy Quỳnh cho biết thêm: Học sinh, sinh viên là một trong những nhóm đối tượng được chính quyền Đồng Nai rất quan tâm và tạo điều kiện để tham gia phong trào khởi nghiệp. Có lẽ đây là một trong các lý do mà Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của tỉnh Đồng Nai đã ra đời. “Trường Đại học Lạc Hồng là một trong những cái nôi ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên, nhiều dự án của sinh viên được đánh giá cao và được chuyển giao. Bên cạnh những chính sách khuyến khích từ lãnh đạo Nhà trường, thì môi trường, thể chế của tỉnh Đồng Nai chính là một bệ phóng quan trọng để ý tưởng của sinh viên trở thành hiện thực”.

    … đến những quả ngọt đầu mùa

    KNĐMST là một quá trình, trải qua nhiều giai đoạn, đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp, trường học và các cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp,… Do đó, đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi cả những thử nghiệm, đánh giá và dự báo tương lai. Trong những năm qua, Đồng Nai đã làm tốt vai trò truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, nuôi dưỡng ý tưởng, phát triển từ ý tưởng thành sản phẩm và thâm nhập vào thị trường. Ghi nhận những kết quả đạt được, năm 2023, Đồng Nai được công nhận là một trong 3 địa phương tiêu biểu (cùng với Đà Nẵng và Bắc Giang) nhất cả nước về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

    Dự án "Pin nhiên liệu đa ứng dụng” của nhóm tác giả Lê Phương Long và cộng sự (Trường Đại học Lạc Hồng) được lọt vào Chung kết TOP 10 giải pháp của Chương trình phát triển dự án Khởi nghiệp Quốc gia 2023.

    Với thành quả này, tỉnh Đồng Nai không những định vị giá trị của mình trên bản đồ khởi nghiệp quốc gia, mà còn cùng với các địa phương khác (trước đó) góp phần thúc đẩy và đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu.

    Nhiều dự án của tỉnh Đồng Nai được đánh giá cao và nhận được giải thưởng giá trị. Điển hình là Dự án khởi nghiệp “Pin nhiên liệu đa ứng dụng” của nhóm tác giả Lê Phương Long và cộng sự (Trường Đại học Lạc Hồng) được lọt vào Chung kết TOP 10 giải pháp của Chương trình phát triển dự án Khởi nghiệp Quốc gia 2023.

    (*) Dẫn lời Bí thư tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh

    (**) World Intellectual Property Organization (WIPO) (2023). Global Innovation Index 2023: Innovation in the face of uncertainty. Geneva: WIPO. DOI:10.34667/tind.48220.

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

    Kỳ 2. Từ giảng đường đến thương trường: Khởi nghiệp trong giới sinh viên tại Đồng Nai

    Kỳ 3. Khi trường đại học là nơi ươm mầm cho ý tưởng khởi nghiệp

    Kỳ 4. Khởi nghiệp vượt biên giới: Câu chuyện của Trường Đại học Lạc Hồng

     

    • Address: 10 Huynh Van Nghe street, Buu Long ward, Bien Hoa city, Dong Nai province.
    • Tel: 0251 3952 778
    • Email: lachong@lhu.edu.vn
    • © 2023 Lac Hong University
      9,627       1/766